Truyện ký DẤU CHÂN TRÊN CÁT BỎNG
Chuyện về Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Trung Thu.
Ngày 15/9, nhân dịp về xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trao 100 suất quà tặng học sinh vượt khó hiếu học. Thạc sĩ, nhà báo Ngô Văn Hiền – Giám đốc Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông (Trung tâm CEDC) được Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Trung Thu tặng quyển sách: Truyện ký DẤU CHÂN TRÊN CÁT BỎNG khi đến nhà riêng thăm Trung tướng ở TP. Đà Nẵng.
BTV ĐS GDNN
Vị tướng đánh giặc từ thuở lên 10
Suốt đời binh nghiệp, người anh hùng từng bắn rơi không biết bao máy bay, tiêu diệt địch nhưng chỉ tự nhận có 4 trận đánh lớn nhất đời, khi mới chỉ là chú bé 14-15 tuổi.
– Suốt đời binh nghiệp, người anh hùng từng đánh hàng chục trận, bắn rơi không biết bao máy bay, tiêu diệt địch nhưng chỉ tự nhận có 4 trận đánh lớn nhất đời, khi mới chỉ là chú bé 14-15 tuổi.
Nghĩa trang xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam một ngày cuối hè. Thắp nén nhang cho những đồng đội nằm xuống trong chiến tranh, Trung tướng Nguyễn Trung Thu lặng người. Có những tấm bia ghi danh liệt sĩ 10 tuổi lúc hy sinh.
“Nếu số phận không may mắn, tôi có thể cũng ở đây như họ” – vị tướng được trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khẽ nói. Gần 50 năm đi qua, giờ đây ở cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, ông là một trong những người cầm súng chống Mỹ ít ỏi còn lại trong quân ngũ.
Binh nghiệp – Thiên mệnh
Nguyễn Trung Thu sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng ở xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Sau khi cha tham gia cách mạng bị địch phát hiện, cả gia đình ông chuyển vào huyện Thăng Bình, Quảng Nam sinh sống. Ở chính mảnh đất anh hùng này, Nguyễn Trung Thu đã bước những bước đầu tiên trên con đường binh nghiệp.
Những năm 1950, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện các cuộc thảm sát tập thể mang tên “tố Cộng”, “diệt Cộng”. Ở Quảng Nam, đó là các vụ giết chóc tàn bạo trên sông Vu Gia, sông Thu Bồn, ở đập Vĩnh Trinh, đập Thạch Bàn (Duy Xuyên), động Hà Sống (Đại Lộc). Vụ thảm sát đập Vĩnh Trinh (huyện Duy Xuyên) đêm 28 tháng chạp cận Tết Ất Mùi (1955) tàn bạo làm rúng động dư luận thế giới lúc bấy giờ khi quân ngụy bắt người đóng đinh, thả bao bố trôi sông.
Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Nguyễn Trung Thu |
Tận mắt chứng kiến tội ác của kẻ thù, những đứa trẻ chưa kịp lớn như cậu bé Trung Thu đã biến lòng căm hận thành ý thức tự giác cầm súng đánh giặc.
10 tuổi, Trung Thu đã tự chế mìn, lựu đạn, vũ khí đánh địch theo chiến thuật du kích. Dáng nhỏ thó, thoăn thoắt, cậu giả chơi để dò la, rồi tự vác mìn nặng chục kg đi gài xe tăng địch mà chẳng chút sợ hãi. Trong một lần phát hiện địch di chuyển về làng, cậu bé quyết định mang 5 quả mìn bỏ vào bao mang đi gài địch.
Trời mưa phùn, gió thổi, trong lúc loay hoay, chiến sĩ du kích nhí chưa kịp thực hiện phương án thì địch phát hiện. Chúng bắt cậu giơ tay hàng, dí súng thẳng giữa trán. Khi phát hiện bao túi cầm theo là mìn, toán lính Mỹ đá cậu ngã văng. Cậu thừa cơ vùng lên bỏ chạy, may mà không bị đuổi bắn. Sau lần đó, cậu vẫn tìm cách quay lại, tiếp tục dò la, vác mìn đi gài xe tăng phá nổ.
1965. Sau khi các xã vùng đông của huyện Thăng Bình được giải phóng, quân Mỹ ngụy tìm mọi cách đánh phá giành lại quyết liệt. Thôn 6, xã Bình Dương, là một trong những nơi bị giặc càn phá dữ dội nhất. Trong tình thế đó, đội du kích nhỏ tuổi ra đời với những thành viên tuổi đều chưa quá 15, trong đó có Nguyễn Trung Thu.
15 tuổi, Nguyễn Trung Thu chính thức trở thành người lính thực thụ, tham chiến ở một sư đoàn chủ lực lừng lẫy thành tích chiến đấu: sư đoàn bộ binh 2, Quân khu 5. Người lính Nguyễn Trung Thu đã đi qua nhiều chiến trường, từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, cho đến Mặt trận 4 của Quảng Đà, Mặt trận 579 Quân khu 5, đường 9 Nam Lào và sau này là lính của quân bộ đội tình nguyện ở chiến trường Campuchia.
Suốt đời binh nghiệp, người anh hùng từng đánh hàng chục trận, bắn rơi không biết bao máy bay, tiêu diệt địch nhưng chỉ tự nhận có 4 trận đánh lớn nhất đời – mà điểm chung là khi mới chỉ 14-15 tuổi và đậm chất “nghệ thuật du kích” nhất.
Trận đánh thứ nhất vào năm 1966, cứu được 20 cán bộ du kích thoát chết khỏi hầm trú ẩn trong vòng vây của địch. Một mình cậu bé ban ngày lẻn trinh sát địa hình, ban đêm mang mìn, lựu đạn gài đặt chốt đóng của địch. Sau 3 ngày, khi các cán bộ trong hầm kiệt sức vì đói khát và thiếu khí thở, chiến sĩ du kích nhỏ phá trận thành công, cứu toàn bộ 20 người đưa lên khỏi lòng đất.
“Bây giờ tôi vẫn là người lính… Binh nghiệp là thiên mệnh” |
Một trận đánh anh hùng nữa vào năm 1967. Sau nhiều lần đặt mìn phá địch không thành bị phát hiện, cậu bé Trung Thu khi đó 14 tuổi lần đầu tiên tổ chức chỉ huy, thiết kế một trận đánh mìn lừa địch ngoạn mục.
Sử dụng mìn giả để đánh lạc hướng địch, trong tích tắc sơ suất của địch, cậu bé và đồng đội đã cho kích nổ mìn gây thương vong cho địch. Trận đánh này đáng nhớ bởi sau thương vong của địch, những chiến sĩ du kích còn quay lại thu gom lính bị thương đưa về băng bó, cho ăn uống và trả lại đối phương.
Trận khác, chiến sĩ Trung Thu một mình bắn rơi một máy bay, hạ nhiều tên địch song người chiến sĩ nhỏ đã không nhận hết thành mà chia nửa thành tích còn lại cho người đồng đội tên Năm Tươi đã hy sinh, để lại khẩu súng cho cậu thay khẩu bị hỏng.
Nguyễn Trung Thu đã bốn lần vinh dự là dũng sĩ diệt Mỹ. Năm 1966, ông được Đảng bộ liên khu 5 cử ra gặp Bác Hồ ở Hà Nội cùng anh hùng Vai và chị Can Lịch.
Thời bình, người lính Nguyễn Trung Thu tiếp tục theo đuổi binh nghiệp. Trước khi trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, ông từng là Tư lệnh quân khu 5, Tư lệnh quân đoàn 3. Được thăng hàm lên Thiếu tướng, rồi Trung tướng, nhưng dù ở các vị trí quản lý trong quân đội thời bình, ông vẫn coi mình là người lính.
“Bây giờ tôi vẫn là người lính, sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Dù là Tướng, tôi vẫn là người cầm súng. Đã là Tướng phải cầm súng. Điều đó không bao giờ thay đổi. Bởi binh nghiệp là thiên mệnh”.
Vị tướng đi chống bão
Năm 2010, trận bão số 9 và số 11 đổ bộ tàn khốc vào miền Trung. Quân đội được huy động tối đa. Đến giờ, nhiều người vẫn nhắc lại hình ảnh vị tướng Tư lệnh quân khu 5 quần xắn, lội nước vừa đi cứu dân, vừa gọi điện thoại tất bật điều động phương tiện, quân số, chỉ đạo các cánh quân phối hợp chống bão…
Năm đó, khi đang họp bàn triển khai khắc phục bão lũ sau khi rút đi, vị Tư lệnh nhận được điện thoại của sư trưởng Sư đoàn 2 báo có một cụ già bị mắc kẹt ở cành cây mắc trên dòng lũ dưới một đập thủy điện. 24 giờ sau khi phát hiện, ông mới được biết tin khi trời đã chuyển chiều muộn.
Ông hiếm khi rời chiếc Ipad để điều hành công việc, nắm bắt thông tin trong điều kiện làm việc di chuyển như con thoi |
Ngay tức khắc, ông điều động lực lượng ra hiện trường. Từng tốp người bơi ra không thành công. 50 chiếc phao bị dòng nước cuốn phăng. Ông điện cho không quân điều trực thăng của 2 sư đoàn 370 và 372 bay vào 6 chuyến nhưng cũng bất thành vì thời tiết xấu, trong khi khoảng cách từ bờ ra đến chỗ nạn nhân chỉ có 70 mét.
Khi mọi nỗ lực đều bất thành, ông cho huy động ô tô chiếu đèn suốt đêm, dùng loa hướng dẫn cụ già chờ ứng cứu, tìm cách buộc sữa vào dây để tiếp tế cụ già chống chọi cơn đói rét qua đêm. Nước không rút vào sáng hôm sau. Ông chỉ huy không quân đưa tiếp 3 chuyến trực thăng vào cứu cũng không thành.
Tiếp tục thả gầu dây xuống nhưng cũng bị nước cuốn đứt. Cuối cùng ông phải cho điều động loại súng đặc chủng (súng bắn dây) của lực lượng đặc nhiệm thì cứu được nạn nhân vào bờ. Cuộc cứu nạn căng thẳng, tốn kém đến hàng tỉ đồng này ông nói không đáng gì so với cảm giác trút hết nỗi lo, cứu được người dân an toàn.
Trắng đêm “điều binh” chống bão, đội mưa đi vào vùng bão lũ với nhân dân, ông quen thuộc với công việc này trong suốt những năm làm tư lệnh vùng quân khu 5, bằng cả tinh thần quyết liệt như những năm tháng đi đánh giặc trong chiến trường.
Người ta hay hình dung những vị tướng trận mạc có nét gì đó lạnh lùng, kiêu bạc, khó gần. Ở Trung tướng Nguyễn Trung Thu lại là chất bình dị, cởi mở và nồng nhiệt hiện lên trong dáng người thấp đậm.
Hình ảnh ông ngồi bật tay đánh nhịp hát bài chòi vừa hay vừa chuẩn đến khó tin cũng như những câu thơ ông viết, tuy bình dị mà đầy thôi thúc như rứt ra từ tâm tưởng: “Trở về với mẹ ta thôi/Đấm lưng cho mẹ trở trời lúc đau…”.
Bức tượng bà mẹ Campuchia
Trong cuộc đời binh nghiệp, giai đoạn ông tham gia đoàn quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia là một giai đoạn đáng nhớ. Ông vẫn hay nhắc về câu chuyện người mẹ Campuchia đã cưu mang ông và đồng đội với tất cả lòng thành kính. Một ngày năm 1984, nhà mẹ Phiu Ma Ly làng Krom, xã Pree Rum Kơl, huyện Tha La, tỉnh Stung Treng (Campuchia) rộn ràng hơn bởi sự có mặt của lực lượng quân tình nguyện Việt Nam. Chồng mẹ là chiến sĩ biên phòng thời Sihanouk đã mất khi còn trẻ. Mẹ góa nuôi đàn con côi, vất vả nhiều bề nhưng mẹ nói với ông trưởng thôn cho bộ đội Việt Nam về ở nhà mình. Trong số đó, mẹ đặc biệt thương người chỉ huy đơn vị Nguyễn Trung Thu. Bà thương bởi tính điềm đạm, khiêm nhường, hết lòng với đồng đội. Khi mùa mưa về, dòng sông đục ngầu phù sa, mẹ tranh thủ hứng nước mưa để dành vài thùng đợi bộ đội Thu về giặt áo cho trắng… Trong một lần sang công tác tại Stung Treng trên cương vị Tư lệnh Quân khu 5 ông quyết định lần hỏi để tìm về gia đình mẹ Phiu Ma Ly để thăm thì biết ra mẹ mất đã gần 10 năm trước. Để tưởng nhớ, ông đặt khắc một bức tượng bán thân mẹ Phiu Ma Ly bằng đá trắng gửi tới để nơi bàn thờ mẹ ở nhà cô con gái Su Navy. |
Ảnh: Lê Anh Dũng