Khẳng định vai trò của Việt Nam trong các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động chung của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

Cộng đồng của sự đoàn kết

Với dân số khoảng 1,2 tỷ người, Cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu. Trong đó, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, hoặc duy nhất hoặc cùng với một số ngôn ngữ khác, tại 32 nước và chính quyền thành viên.

Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 19, do một nhà địa lý người Pháp O. Reclus đề cập. Từ sáng kiến, vào tháng 3/1962 của ông Lê-ô-pôn Xê-đa Xen-gho, Tổng thống Xê-nê-gan, đã dấy lên một phong trào vận động cho sự ra đời của một Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp với mục đích phát triển quan hệ văn hoá, khoa học và kỹ thuật.

Hàng loạt các tổ chức quốc tế sử dụng tiếng Pháp được thành lập như Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục các nước có sử dụng tiếng Pháp (CONFEMEN, 1960), Hiệp hội các trường đại học sử dụng từng phần hoặc toàn phần tiếng Pháp (AUPELF, 1961), Liên minh các nghị sĩ nói tiếng Pháp (AIPLF, 1967), Cơ quan hợp tác văn hoá và kỹ thuật (ACCT, 1970)… Tuy nhiên, hợp tác giữa các nước trong các tổ chức này vẫn mang đậm tính chất nghề nghiệp và kỹ thuật.

Vào tháng 2/1986, theo sáng kiến của cố Tổng thống Pháp Phờ-răng-xoa Mít-tơ-răng, Hội nghị cấp cao lần thứ nhất của các nước có sử dụng tiếng Pháp đã được tổ chức tại Pa-ri với sự tham gia của gần 40 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp, đánh dấu sự ra đời chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp. Tháng 12/1998, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12, họp tại Bu-ca-rét (Rumani), đã thông qua tên gọi chính thức của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Mục tiêu và nhiệm vụ của Pháp ngữ được nêu rõ tại Hiến chương Pháp ngữ (thông qua tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội), bao gồm: Phòng ngừa, quản lý và hỗ trợ giải quyết xung đột; Thúc đẩy Nhà nước pháp quyền, dân chủ và nhân quyền; Thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; tăng cường đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh; Thúc đẩy đối thoại, tăng cường tình đoàn kết giữa các quốc gia thông qua hợp tác đa phương nhằm phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo; Pháp ngữ hoạt động dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, ngôn ngữ và văn hóa mỗi dân tộc; giữ vị trí trung lập, không can thiệp vào vào các vấn đề chính trị nội bộ.

Theo Hiến chương, Cộng đồng Pháp ngữ bao gồm các cơ chế, thể chế và cơ quan thực thi trực tiếp như:

Hội nghị cấp cao (HNCC): Hội nghị cấp cao những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước có sử dụng tiếng Pháp là cơ quan cao nhất của Pháp ngữ. Hội nghị họp hai năm một lần nhằm xem xét những vấn đề lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá và khoa học kỹ thuật liên quan đến các nước thành viên Pháp ngữ, đề ra đường lối, phương hướng hoạt động cho Pháp ngữ và bầu Tổng thư ký Pháp ngữ. Các quyết định của Hội nghị được thông qua theo thể thức “đồng thuận” (consensus).

Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ (CMF): Sau Hội nghị cấp cao, CMF là cơ quan cao nhất về phương diện chính trị. CMF họp mỗi năm một lần (ngoài những kỳ họp bất thường) với tư cách là cơ quan của Hội nghị cấp cao nhằm đảm bảo tính liên tục trong hoạt động chính trị của Pháp ngữ. CMF có nhiệm vụ chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao, khuyến nghị Hội nghị cấp cao chấp thuận các thành viên chính thức/thành viên liên kết/quan sát viên mới, giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao, bổ nhiệm Giám đốc của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ và cho ý kiến về việc phân bổ Quỹ đa phương duy nhất (FMU).

Hội đồng Thường trực Pháp ngữ (CPF): Đây là cơ quan chính trị thường trực của Pháp ngữ được đặt dưới sự chỉ đạo của CMF. Thành viên của CPF bao gồm các đại diện cá nhân của những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên của Hội nghị cấp cao. Tổng thư ký Pháp ngữ là Chủ tịch chấp hành của CPF. CPF họp ít nhất 4 lần/năm. CPF có nhiệm vụ chuẩn bị Hội nghị cấp cao và theo dõi việc thực hiện các quyết định của Hội nghị cấp cao, giám sát việc thực hiện các quyết định của CMF, quyết định phân bổ và kiểm tra việc thực hiện Quỹ đa phương duy nhất và tiến hành đánh giá các chương trình hợp tác của các cơ quan thực thi.

Tổng thư ký Pháp ngữ do những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các nước thành viên bầu ra với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thư ký Pháp ngữ chịu sự chỉ đạo của các cơ quan chính trị: Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ và Hội đồng thường trực Pháp ngữ. Tổng thư ký là người phát ngôn chính trị, là đại diện chính thức của Pháp ngữ trên trường quốc tế và là người điều phối các hoạt động hợp tác đa phương Pháp ngữ. Tổng thư ký Pháp ngữ có nghĩa vụ báo cáo Hội nghị cấp cao về việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF): Tổ chức quốc tế Pháp ngữ gồm 88 Nhà nước và Chính phủ thành viên và quan sát viên thuộc 5 châu lục. Nhiệm vụ chính của OIF là triển khai các chương trình hợp tác đã được thông qua tại các Hội nghị cấp cao. Hoạt động hợp tác đa phương của OIF trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp, văn hoá và truyền thông, công nghệ mới về thông tin và liên lạc, môi trường, năng lượng, đoàn kết vì phát triển, hòa bình dân chủ…

Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF): được thành lập năm 1967, hiện có hơn 90 thành viên là các nghị viện/cơ quan lập pháp các quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp. Trên cơ sở Hiến chương Pháp ngữ thông qua tại Hà Nội năm 1997, APF chính thức được coi là cơ quan nghị viện tham vấn của Pháp ngữ, nhằm thúc đẩy hòa bình, dân chủ, nhà nước pháp quyền, hợp tác vì sự phát triển bền vững, đoàn kết, đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.

Các cơ quan thực thi trực tiếp các quyết định của HNCC, gồm: Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Kênh truyền hình quốc tế pháp ngữ TV5, Đại học Senghor d’Alexendrie, Hiệp hội của các Thị trưởng hoặc người đứng đầu các thủ đô hoặc các thành phố có sử dụng tiếng Pháp (AIMF);

Các Hội nghị Bộ trưởng thường trực, gồm: Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Pháp ngữ; Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Pháp ngữ.

Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế – xã hội, là trung tâm trong các hoạt động hợp tác Pháp ngữ tại khu vực

CHXHCN Việt Nam gia nhập ACCT (tổ chức tiền thân của OIF) năm 1979. Việt Nam tham gia Cộng đồng Pháp ngữ nhằm: (i) tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật… trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận; (ii) triển khai chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; (iii) tranh thủ sự hỗ trợ của Pháp ngữ, chủ yếu về kết nối với các đối tác kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đào tạo nguồn nhân lực thông qua đào tạo chuyên môn bằng ngôn ngữ tiếng Pháp và đào tạo tiếng Pháp (trong đó có cho sĩ quan Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc); (iv) tăng cường quan hệ hợp tác với các nước thành viên của Pháp ngữ, trong đó có Pháp, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ và các nước bạn bè châu Phi; (v) vận động các nước trong cộng đồng Pháp ngữ ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào các vị trí quan trọng tại LHQ và các tổ chức quốc tế; (vi) ủng hộ và tham gia đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy các giá trị về hòa bình, phát triển, đa dạng ngôn ngữ, đa dạng văn hóa…

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thường xuyên tham dự các HNCC Pháp ngữ. Đặc biệt, năm 1997 Việt Nam đã đăng cai tổ chức HNCC đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Cộng đồng Pháp ngữ tại Châu Á.

Đây là Hội nghị quan trọng, hoàn tất quá trình phát triển về thể chế của Cộng đồng Pháp ngữ với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ và bầu ra Tổng Thư ký đầu tiên của Pháp ngữ, đồng thời cho ra đời ý tưởng Pháp ngữ kinh tế như một trụ cột hợp tác quan trọng trong không gian Pháp ngữ.

Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch CPF năm 1996, Chủ tịch CMF (1996-1997), Chủ tịch HNCC (1997-1998), Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Hành chính của CPF (2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của CPF (2013-2015), thành viên Hội đồng quản trị của AUF (2013-2017), Chủ tịch Mạng lưới các Đại diện quốc gia phụ trách Pháp ngữ của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (RESIFAP) nhiệm kỳ đầu tiên từ 2013-2016, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của CPF nhiệm kỳ 2019-2023. Hiện ta đang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban kinh tế của CPF, bắt đầu từ tháng 3/2023.

Quốc hội Việt Nam là thành viên quan sát từ năm 1974 và trở thành thành viên chính thức của APF từ năm 1991. Quốc hội Việt Nam tham dự hầu hết các khóa Đại hội đồng của APF và tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng. Đặc biệt, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch APF 04 nhiệm kỳ (2007-2009, 2009-2011, 2013-2015, 2019-2022); Chủ tịch Vùng châu Á – Thái Bình Dương (2015-2017), thành viên Hội đồng điều hành Mạng lưới nữ nghị sĩ APF (2017-2019). Việt Nam cũng đăng cai tổ chức nhiều Hội nghị quan trọng của APF.

Các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và nghiên cứu của ta cũng tích cực tham gia các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ (Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia CONFEMEN, hợp tác với AUF và OIF; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tham gia các Thế vận hội Pháp ngữ; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia CONFEJES; các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Huế là thành viên chính thức của AIMF; gần 50 trường đại học của ta là thành viên của AUF…).

Tháng 9/2020, Đại sứ Trần Thị Hoàng Mai được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện Văn phòng Pháp ngữ tại khu vực Tây Phi, là người châu Á đầu tiên đứng đầu một văn phòng khu vực của OIF.

Hiện nay, do tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.

Từ khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Pháp ngữ đã có nhiều hoạt động hợp tác nổi bật:

Về giáo dục, đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp: Các dự án hợp tác quy mô khá lớn gồm: Dự án các lớp song ngữ tiếng Pháp (1994-2006); Dự án dạy thí điểm tiếng Pháp ngoại ngữ thứ hai (2001-2005); các hoạt động hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CREFAP, từ 1993), Dự án Tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á (VALOFRASE, 2006-2015); Thành lập Nhà Tri thức Pháp ngữ tại Huế từ 7/2009; Thành lập Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại Châu Á-Thái Bình Dương (CECOFAP) từ 2014 đặt tại Học viện Ngoại giao; thành lập Viện Quốc tế Pháp ngữ (từ 1993 trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội); thành lập Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng (trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, từ 8/2017)…

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Pháp ngữ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (CREFAP, từ 1993), nhiều hoạt động và sản phẩm quan trọng đã được thực hiện với các nhóm giáo viên dạy tiếng Pháp nòng cốt trong nước, cụ thể trong giai đoạn 2011-2022 gồm: xây dựng bộ chuẩn năng lực và kế hoạch quốc gia về bồi dưỡng giáo viên tiếng Pháp (23 hoạt động với sự tham gia của 330 cán bộ); tổ chức tập huấn thường niên (74 đợt tập huấn cho 3863 giáo viên); hỗ trợ tổ chức hoạt động ngoại khóa (30 hoạt động cho 27.683 học sinh); tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo tham vấn (63 hoạt động cho 1370 đại biểu). Bên cạnh đó, một số sản phẩm nổi bật của các hoạt động này gồm: thống kê số hóa về công tác giảng dạy tiếng Pháp (https://cartographie.crefap.org); Bộ tài liệu trực tuyến về kỹ năng nghe-nói tiếng Pháp trình độ B1 theo chuẩn CECRL; Bộ sách giáo khoa tiếng Pháp ngoại ngữ 2; Bộ tài liệu nguồn mở phục vụ giảng dạy mô Toán bằng tiếng Pháp (ressourcesmaths.crefap.org),…

Ngoài ra, AUF hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học, cấp học bổng nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật pháp…;giai đoạn 2019-2022 tổng hỗ trợ của AUF khoảng 2,1 triệu ơ-rô. Hiện có 47 trường đại học của ta là thành viên của AUF. AUF cũng thành lập 2/7 Trung tâm hướng Nghiệp Pháp ngữ trong khu vực (tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) và Không gian kỹ thuật số tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Thỏa thuận hợp tác khung với AUF, qua đó hỗ trợ đào tạo cho hàng trăm giáo viên tiếng Pháp của Việt Nam và hàng năm đều hỗ trợ các hạng mục về trang thiết bị, nghiên cứu khảo sát về hợp tác đại học và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, OIF cũng bắt đầu hỗ trợ đào tạo một số sĩ quan của ta tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tháng 10/2023, OIF đã phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo theo dõi việc triển khai Tuyên bố về tiếng Pháp trong đa dạng ngôn ngữ của Cộng đồng Pháp ngữ.

Về kinh tế: Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại chính thức 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF, trong đó có 12 quốc gia tại khu vực châu Âu – châu Mỹ, 32 quốc gia tại khu vực châu Phi. Trong giai đoạn 2017-2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Pháp ngữ luôn ổn định, ghi nhận sự tăng trưởng đều đặn. Trải qua các khó khăn của giai đoạn Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu có bước tăng trưởng nhảy vọt trong năm 2021 và đạt mức cao nhất năm 2022 với 36,16 tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch song phương có phần sụt giảm theo xu thế của thế giới, song đến đầu năm 2024, trao đổi thương mại đã lấy lại được đà tăng trưởng dương.

Tính đến hết tháng 6/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều (với các nước thành viên của OIF) đạt 16,8 tỷ USD, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt 10,86 tỷ USD và nhập khẩu đạt 5,95 tỷ USD. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên OIF chỉ chiếm khoảng 5% tổn kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và thế giới, tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia xuất siêu lớn.

Đặc biệt, đối với nhóm 32 nước Pháp ngữ châu Phi, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu song phương về cơ bản mang tính chất bổ sung cho nhau. Việt Nam xuất khẩu chính gồm nông sản (gạo, hạt tiêu, cà phê, rau quả,…), thuỷ hải sản, hàng điện, điện tử, hàng dệt may và giày dép, tiêu dùng, sắt thép… Hàng xuất khẩu của Việt Nam đã thâm nhập được thị trường các nước, kim ngạch nhiều mặt hàng có chiều hướng ngàng càng tăng. Về nhập khẩu, đây là những thị trường cung ứng đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất trong nước và chế biến xuất khẩu của Việt Nam như nông sản thô (hạt điều, bông), gỗ, cao su, quặng và khoáng sản, nguyên phụ liệu dệt may và da giày…

Về đầu tư, tính đến hết tháng 6/2024, có 21/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, với 1772 dự án (trên tổng số 40544 dự án), tổng vốn đầu tư 17,1 tỷ USD, chiếm 3,42% tổng số vốn đầu tư tại Việt Nam.

OIF và AUF phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức diễn đàn kinh tế quốc tế Franconomics hàng năm (bắt đầu từ 2019); hỗ trợ Việt Nam tổ chức một số hội thảo quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Châu Phi.

Từ tháng 9/2020 đến nay, OIF triển khai dự án thí điểm hợp tác phi tập trung nhằm hỗ trợ thanh niên và phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp như lúa gạo, sắn, mật ong, chăn nuôi bò sữa hoặc sản xuất kỹ nghệ như dệt may, khắc phục hậu quả thiên tai tại Sơn La, Đắc Nông, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Đồng Tháp. OIF còn hỗ trợ các dự án quy mô nhỏ hơn về tin học, pháp luật, năng lượng, môi trường, giảm nghèo, giúp đào tạo giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất trường học ở các vùng nghèo và khó khăn.

Từ năm 2020, Quỹ “Pháp ngữ và Phụ nữ” của OIF đã tài trợ 5 dự án ở Việt Nam với ngân sách 234.000 ơ-rô và đề nghị Việt Nam tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Bắt đầu từ năm 2024, nhằm triển khai Chương trình hợp tác Pháp ngữ 2024-2027, OIF đã bổ sung thêm 02 biên chế chuyên trách về thúc đẩy Du lịch bền vững làm việc tại Văn phòng đại diện khu vực tại Việt Nam.

Về hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại: từ 21-26/3/2022, Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo đã thăm chính thức và dẫn đầu Đoàn xúc tiến kinh tế, thương mại (MECA) Pháp ngữ đầu tiên, với 89 lãnh đạo tổ chức tài chính và doanh nghiệp đến từ 24 nước Pháp ngữ sang Việt Nam nhằm tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư về các lĩnh vực nông nghiệp, tài sản – dịch vụ số và năng lượng tái tạo; hàng loạt các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp này, thúc đẩy kết nối, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp theo đà hợp tác, Bộ Công Thương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp chia sẻ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại với các nước Pháp ngữ (Đoàn MECA tại Gabon, Rwanda, 7/2022; tại Ru-ma-ni, 3/2024).

Về văn hóa – thể thao và thanh niên:  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia định kỳ Đại hội Thể thao Văn hóa Pháp ngữ. Trong hai lần gần nhất (2017 tại Bờ Biển Ngà và 2023 tại Cộng hòa dân chủ Công-gô), đoàn Việt Nam đã đoạt Huy chương đồng đôi nam nữ môn bóng bà và Huy chương đồng cho nữ môn thể thao vật tự do.

Tháng 9/2024, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phối hợp với OIF và AUF, tổ chức Diễn đàn Thanh niên Pháp ngữ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần đầu tiên tại Hà Nội. Sự kiện dự kiến có gần 80 đại biểu thanh niên nói tiếng Pháp các nước thành viên và quan sát viên của Pháp ngữ trong khu vực và đại diện thanh niên từ Trung Quốc, Mông Cổ.

Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và thanh niên cũng được triển khai như các hoạt động văn hóa, cuộc thi nhân dịp kỷ niệm hàng năm Ngày Quốc tế Pháp ngữ 20 tháng 3, các Giải bóng đá Pháp ngữ (2020 và 2022); Giải chạy Pháp ngữ (2022, 2024) với khoảng 2000 vận động viên ở mọi lứa tuổi tham gia.

Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã ký thỏa thuận với TV5 Monde phát sóng kênh này 24/24 giờ trên hệ thống truyền hình cáp viba (MMDS) từ 11/1997. TV5Monde mở rộng hợp tác với Việt Nam qua việc phát triển hợp tác trên các lĩnh vực: đào tạo (các biên tập viên, kỹ thuật viên, dựng phim bằng kỹ thuật số, quay phim…); trao đổi chương trình (theo hợp đồng); hợp tác sản xuất (phim tài liệu, phóng sự); tài trợ cho điện ảnh. Từ tháng 4/2011, TV5Monde châu Á có phụ đề tiếng Việt. Từ tháng 6/2015, Truyền hình Cáp Hà Nội tiến hành lộ trình kỹ thuật số truyền hình của Chính phủ giai đoạn 2011-2020, theo đó kênh TV5Monde trên hệ thống cáp dừng phát sóng và thay bằng kênh kỹ thuật số.

Hàng năm, OIF đều phối hợp với các Đại sứ quán Pháp ngữ tại Việt Nam tổ chức Liên hoan phim Pháp ngữ để quảng bá đến người dân các tác phẩm điện ảnh của các nước thành viên. Cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ” cũng được tổ chức thường niên. Từ năm 2020, OIF đã tài trợ trong lĩnh vực phim ảnh với tổng ngân sách 120.000 ơ-rô.

Ngoài ra, OIF cũng hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động quảng bá không gian Pháp ngữ, không gian sách: tháng 11/2020, OIF ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai dự án “Không gian sách tiếng Pháp” cho các Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bến Tre, Bình Dương, thành phố Hải Phòng và Cần thơ (tổng số 10.000 cuốn sách với trị giá 180.000 ơ-rô); hỗ trợ xây dựng Không gian Pháp ngữ tại Học viện Ngoại giao (khai trương tháng 3/2022 nhân chuyến thăm của Tổng Thư ký Pháp ngữ).

Về phía các nước Pháp ngữ, nhiều nước coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, và ngày nay là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Các nước mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội với Việt Nam, cho rằng Việt Nam là một đối tác tin cậy, tiềm năng và quan trọng.

OIF thể hiện coi trọng, thường xuyên cử Đoàn cấp cao thăm Việt Nam. Tổng Thư ký Pháp ngữ (bầu lần đầu tiên vào năm 1997) đã 06 lần thăm Việt Nam (1998, 2004, 2014, 2016, 2019, 2022). Lãnh đạo các thể chế và cơ quan Pháp ngữ khác cũng nhiều lần sang Việt Nam.

Văn phòng khu vực của OIF và AUF đều đặt tại Việt Nam (Hà Nội). Trung tâm hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (thuộc OIF) cũng đặt tại Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh).

Từ khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Pháp ngữ,  hợp tác Việt Nam và Pháp ngữ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Cộng đồng Pháp ngữ luôn xem Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế xã hội, là trung tâm trong các hoạt động hợp tác pháp ngữ tại khu vực.Về phần mình, Việt Nam là một trong những thành viên thúc đẩy mạnh trụ cột kinh tế, nhất là kinh tế số trong không gian Pháp ngữ. Với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, có dân số khoảng 1,2 tỉ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, không gian kinh tế Pháp ngữ còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác một cách sâu rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, du lịch bền vững, khoa học, công nghệ…

Từ ngày 4-5/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, góp phần lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm và luôn sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức, đóng góp vào một tương lai “hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững”, như mục tiêu mà Hội nghị cấp cao Pháp ngữ hướng tới.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động chung của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, góp phần tăng cường, củng cố chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế; thông qua đó tiếp tục khẳng định những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam thời gian qua./.

Minh Anh
NGUỒN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/khang-dinh-vai-tro-cua-viet-nam-trong-cac-hoat-dong-cua-cong-dong-phap-ngu-679587.html