Sự kiện trong nước:
– Ngày 26/2/1285, danh tướng Trần Bình Trọng bị quân xâm lược Mông- Nguyên sát hại khi mới 26 tuổi. Tướng Trần Bình Trọng sinh năm 1259, quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ngày 26/2/1285, Trần Bình Trọng chỉ huy một cánh quân chống quân Mông – Nguyên ở bãi Tức Mặc, và bị giặc bắt. Quân Mông – Nguyên dụ ông đầu hàng sẽ phong vương, ông khảng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.
Thăm bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu” (20/4/1963). Ảnh tư liệu |
– Ngày 26/2/1949, Bác viết thư cho Trường Y tá Liên khu I căn dặn: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi dưỡng sức khoẻ của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự kháng kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh”.
– Ngày 26/2/1956, trên báo Nhân dân số 724, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tuyệt đối chớ chủ quan khinh địch”, với bút danh C.B. Người nói, “Hạn hán cũng là một thứ giặc, chúng ta không nên chủ quan coi thường hạn hán”. Trong thời điểm đất nước ta đang bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đứng trước tình hình hạn hán đang gây thiệt hại lớn cho việc sản xuất của nhân dân, Hồ Chí Minh phê bình một số cán bộ ở địa phương thiếu quan tâm đến công tác phòng, chống hạn hán. Đồng thời, Người cũng nhắc nhở đội ngũ cán bộ, chính quyền địa phương các cấp phải đề cao trách nhiệm, không thể coi thường hạn hán, bởi đó là một kẻ “địch” to.
– Ngày 26/2/2003, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 225/QĐ-TTg về việc phê duyệt dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sự kiện quốc tế:
– Ngày 26/2/1802, là ngày sinh của Victor Marie Hugo – nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch lớn của nước Pháp và thế giới ở thế kỷ XIX. Ông nổi tiếng với các cuốn tiểu thuyết: “Những người khốn khổ” và “Nhà thờ Đức Bà Paris”.
– Ngày 26/2/1954, điện văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Xôviết tối cao Liên Xô Kơlimentơ Ephơrêmôvích Vôrôsilốp và Quân đội Liên Xô, đăng báo Nhân dân, số 168. Trong điện văn, Người bày tỏ sự tin tưởng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới vào lực lượng lớn mạnh của Quân đội Liên Xô và coi đó là “một đảm bảo vô cùng vững chắc” cho hòa bình và dân chủ thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đền Brôbađia, một công trình văn hóa trong dịp Người sang thăm hữu nghị nước Cộng hòa Inđônêxia (2-1959) |
– Ngày 26/2/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường đi thăm chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia. Phát biểu trước cán bộ, đồng bào ra tiễn tại sân bay Gia Lâm, Người bày tỏ niềm phấn khởi được sang thăm Inđônêxia theo lời mời của Tổng thống A. Xucácnô và nói: “Chúng tôi sẽ thay mặt đồng bào ta mang tình hữu nghị thắm thiết đến với nhân dân Inđônêxia anh em. Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quý báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Inđônêxia đối với nhân dân ta”.
– Từ ngày 26/2 đến ngày 2/3/1973, tại Paris. đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Hội nghị có đại biểu 4 bên tham gia, 5 nước lớn (Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ), 4 nước trong Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Hunggari, Canađa, Indônêxia) và Tổng Thư kí Liên hiệp quốc với tư cách là quan sát viên. Hội nghị đã kí Định ước xác nhận và cam kết tôn trọng các văn bản của Hiệp định Paris. Giá trị của Hiệp định Paris được tăng lên, vị trí của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam được đề cao.
Ngày 26/2/1973, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Australia |
– Ngày 26/2/1973: Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao. Australia là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và Australia ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, kinh tế – thương mại…/.