Thị trường KHCN cần đột phá về nhận thức, mô hình quản trị, cơ chế tài chính

Sáng 19/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển thị trường khoa học, công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Thị trường KHCN cần đột phá về nhận thức, mô hình quản trị, cơ chế tài chính - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Cơ cấu tổ chức, hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu KHCN cần được đổi mới theo hướng đẩy mạnh tự chủ, phát triển doanh nghiệp KHCN – Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Phát triển thị trường khoa học, công nghệ (KHCN) đồng bộ, hiệu quả, hiện đại, hội nhập là vấn đề lớn, còn mới, phải nghiên cứu kỹ, tìm ra những giải pháp khả thi, giải quyết ngay một số vướng mắc, khó khăn hiện tại, “khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản nhưng không đúng địa chi, trúng nguyên nhân, khó thực hiện”.

“Thị trường KHCN được phát triển đồng bộ với các thị trường hàng hoá, năng lượng, lao động, giáo dục, y tế… theo thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đây cũng là thị trường đặc biệt với những giá trị tri thức, sáng tạo không lượng hoá, đo đếm được. Vì vậy, quá trình phát triển thị trường KHCN cần cách tiếp cận mới, phù hợp với các đặc điểm này, trong đó, tập trung vào những khâu, vấn đề đột phá, khắc phục được hết tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển thị trường KHCN”, Phó Thủ tướng nói.

Thị trường KHCN còn trầm lắng

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, đến nay cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KHCN, trong đó có 21 sàn giao dịch KHCN. Giá trị giao dịch hàng hoá KHCN tăng bình quân 20,9%/năm. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 là 12,47%.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, thị trường KHCN còn trầm lắng, nhiều vướng mắc trong vận hành, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ bên ngoài. Nhiều kết quả nghiên cứu KHCN trong nước có địa chỉ ứng dụng nhưng chưa chuyển giao được, chưa hoàn thiện về mặt công nghệ và khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng cao nhưng khó tiếp cận nguồn cung chất lượng. Năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu, thiếu vốn và nhân lực chất lượng cao.

Các tổ chức trung gian của thị trường KHCN chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức, nên năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu.

Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá một trong những nguyên nhân của những rào cản, khó khăn trong phát triển thị trường KHCN là do nhận thức chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoàn thiện, nhất là cơ chế định giá sản phẩm hình thành từ đề tài nghiên cứu KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vai trò kiến tạo của Nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc khơi thông nguồn cung, gỡ bỏ các trở ngại về thông tin, giảm thiểu chi phí giao dịch, tạo dựng và phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường, hỗ trợ các tổ chức thẩm định, định giá, tư vấn chuyển giao công nghệ…

Thị trường KHCN cần đột phá về nhận thức, mô hình quản trị, cơ chế tài chính - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc của thị trường KHCN hiện nay – Ảnh: VGP

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nghiên cứu cơ bản

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, yêu cầu quan trọng nhất để phát triển thị trường KHCN là tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cùng với thay đổi nhận thức, thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực tiếp cận, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới của doanh nghiệp.

Theo đó, nguồn lực Nhà nước tập trung đầu tư “ra tấm, ra món” vào những chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, giải quyết các bài toán mang tính chất đột phá về công nghệ lõi, nhiên liệu mới, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, dược sinh hoá, lượng tử,… Những chương trình này phải được đầu tư bài bản, đầy đủ về hạ tầng, cán bộ nghiên cứu, trang thiết bị, hợp tác quốc tế.

Chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập dành cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia nghiên cứu cơ bản phải đủ hấp dẫn để thu hút và phát triển các nhà khoa học đầu ngành, có uy tín trong nước, quốc tế; làm tốt công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, những chương trình nghiên cứu KHCN quy mô lớn do ngân sách Nhà nước hỗ trợ phải được lựa chọn trên cơ sở gắn với ưu tiên, tầm nhìn quốc gia, tiếp cận với thực tiễn, yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân.

Hình thành quỹ đầu tư phát triển KHCN

Phó Thủ tướng cho rằng cơ cấu tổ chức, hoạt động của các viện, trung tâm nghiên cứu KHCN cần được đổi mới theo hướng đẩy mạnh tự chủ, phát triển doanh nghiệp KHCN.

Cùng với đó, chính sách tài chính dành cho các đơn vị KHCN cần thay đổi từ phương thức chi thường xuyên sang đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KHCN có cạnh tranh.

Phó Thủ tướng phân tích thêm: Công tác quản lý ngân sách Nhà nước dành cho KHCN cần đổi mới. Ngoài phần chi sự nghiệp thường xuyên cho các đơn vị nghiên cứu KHCN trong các lĩnh vực cơ bản, thì phần còn lại cần được quản lý theo mô hình quỹ đầu tư phát triển với tiêu chí lựa chọn, đánh giá, quản lý đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KHCN theo cơ chế thị trường. Cơ chế hoạt động của quỹ đầu tư phát triển KHCN linh hoạt, dựa vào mục tiêu thay vì quy trình, có tính đến yếu tố rủi ro, thay thế cho cơ chế cấp phát, thanh quyết toán hằng năm.

“Ngoài nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ đầu tư phát triển KHCN có thể tiếp nhận nguồn tài chính đóng góp từ doanh nghiệp, lợi nhuận thu được từ các sản phẩm KHCN đã thương mại hoá, các nguồn tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân…”, Phó Thủ tướng gợi mở.

“Chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học là hết sức quan trọng, cho những nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, chuyển giao gắn với thị trường”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đối với hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Các doanh nghiệp là lực lượng chính, có cơ chế hỗ trợ, kích thích của Nhà nước để tăng nguồn cung thị trường KHCN. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn dành cho đổi mới KHCN của doanh nghiệp, trước hết là ở khu vực Nhà nước, cần linh hoạt, trong trường hợp không sử dụng hết theo quy định sẽ đóng góp vào quỹ đầu tư phát triển KHCN quốc gia, “có như vậy doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu sẽ đồng hành cùng nhau”.

Các doanh nghiệp KHCN cần được tiếp cận thuận lợi hơn các nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ đầu tư phát triển KHCN, các tổ chức tín dụng, khi phát triển các sản phẩm KHCN.

Chính sách ưu đãi dành cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phải đi kèm yêu cầu phát triển hoạt động R&D khi thực hiện dự án tại Việt Nam.

Thị trường KHCN cần đột phá về nhận thức, mô hình quản trị, cơ chế tài chính - Ảnh 3.

Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất đánh giá nhận thức về thị trường KHCN của của các bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, hoàn thiện, nhất là cơ chế định giá sản phẩm hình thành từ đề tài nghiên cứu KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước – Ảnh: VGP

Định giá sản phẩm KHCN dựa trên lợi ích, hiệu quả

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số vấn đề như định giá sản phẩm KHCN, phát triển sàn giao dịch KHCN…

Cụ thể, đối với việc định giá sản phẩm KHCN từ các đề tài nghiên cứu có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng cho rằng cần nghiên cứu phương pháp tiếp cận linh hoạt. Những sản phẩm hoàn chỉnh, thương mại hoá thành công sẽ được định giá đầy đủ, dựa trên lợi ích, hiệu quả đem lại cho xã hội. Những sản phẩm mới ở giai đoạn nghiên cứu cơ bản, trong phòng thí nghiệm, chưa hoàn chỉnh, chứa đựng rủi ro thì chưa nên tiến hành định giá.

“Phương pháp định giá cần được nghiên cứu kỹ, sâu hơn, nhất là đối với những sản phẩm đang giai đoạn nghiên cứu để khuyến khích, tạo thuận lợi để triển khai các bước tiếp theo trong quá trình ứng dụng, thương mại hoá, có tính đến rủi ro”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&CN nghiên cứu, rà soát về mặt thể chế, cơ chế hoạt động của các sàn giao dịch KHCN bảo đảm sự kết nối với các thị trường, tạo thuận lợi cho các bên tham gia, quy định rõ ràng nguyên tắc, quy tắc, trách nhiệm pháp lý đối với chất lượng các sản phẩm KHCN đưa lên sàn giao dịch. Từ đó giúp các nhà cung cấp, doanh nghiệp KHCN, nhà khoa học tiếp cận được với nhu cầu, gắn với trách nhiệm pháp lý, được kiểm định, giám định.

Minh Khôi

NGUỒN: https://baochinhphu.vn/thi-truong-khcn-can-dot-pha-ve-nhan-thuc-mo-hinh-quan-tri-co-che-tai-chinh-102230619182539342.htm